Hàn Quốc, Đài Loan đã làm gì để ‘ghìm cương’ dịch Covid-19?
Cả thế giới đang rung chuyển dưới những đợt tấn công dữ dội của đại dịch Covid-19. Tin tức xấu từ khắp mọi nơi, nhất là từ phía châu Âu và Mỹ, cứ ùn ùn đổ về từng ngày. Nhưng từ bên kia bán cầu, những con số tích cực từ các nước và lãnh thổ ở Đông Á lại đem tới không ít hy vọng cho nhân loại.
Những tín hiệu tốt này như tiếp thêm tự tin và dần dần mở ra những phương pháp hữu hiệu đối phó với mối đe dọa toàn cầu mang tên virus Corona (SARS-CoV-2). Bài viết dưới đây sẽ phân tích hai điển hình từ Đông Á đã tương đối thành công trong cuộc chiến chống Covid-19.
Hàn Quốc: Tốc độ nhanh, xét nghiệm diện rộng, kết hợp ứng dụng và văn hóa kỷ luật
Đường cong mô tả tốc độ lây nhiễm trên thế giới vẫn đang đi lên, số bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang tăng theo cấp số nhân trên nhiều nước, đặc biệt là ở khu vực châu Âu. Thế nhưng tại Hàn Quốc, đường cong này đang giảm nhanh chóng và gần như đi ngang ở thời điểm hiện tại.
Trong nhiều tuần nay, số người nhiễm mới vẫn duy trì ở mức ổn định và nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ), trong một thời gian dài, Hàn Quốc là ổ dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với số người nhiễm bệnh đứng thứ tám toàn cầu. Có mức độ công nghiệp hóa và mật độ dân cư đông đúc hơn Việt Nam, quốc gia Đông Á này lại đang duy trì số người lây nhiễm ở mức thấp. Họ phản ứng hiệu quả, và quan trọng nhất là can thiệp sớm hơn phương Tây trước đến hàng tuần lễ.
Điều đáng kinh ngạc nhất là Hàn Quốc đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus mà không cần đến bất kỳ biện pháp hà khắc nào. Không có giới nghiêm mà cũng chẳng cấm tổ chức các sự kiện tập trung đông người, các cửa hàng và quán ăn vẫn mở cửa, giao thông công cộng vẫn hoạt động bình thường. Chiến lược này mang lại nhiều thành công y tế mà cũng gây ra ít tổn thất kinh tế.
Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc vẫn thay đổi từng ngày, hôm nay có thể tăng nhưng sẽ ngày mai sẽ ít đi. Cùng với đó, rất nhiều bệnh nhân Covid-19 đang hồi phục. Sau đây là bốn yếu tố khiến cho mô hình này của Hàn Quốc thành công đến vậy.
Một: phản ứng nhanh gọn và quyết đoán trước tình huống khẩn cấp. Giống như Việt Nam, các trường học ở Hàn Quốc được đóng cửa từ rất sớm nhằm ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Thế nhưng, nền kinh tế vẫn tiếp tục vận hành.
Hai: rất nhiều xét nghiệm đã được thực hiện ngay từ giai đoạn đầu chống dịch và dự đoán chính xác tỷ lệ lây nhiễm, phục hồi và tử vong. Theo các chuyên gia, số người nhiễm bệnh ở Hàn Quốc ở mức cao vì nước này đã thực hiện rất nhiều xét nghiệm sàng lọc. Các kết quả thu được cung cấp cho Chính phủ một bức tranh toàn diện và chính xác về tỷ lệ tử vong, được xác định ở mức 1%.
Ba: việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số kết hợp với việc hạn chế bảo vệ thông tin cá nhân giúp xác định được cách thức lây lan của virus. Ví dụ: nếu bạn đi qua Seoul, bạn sẽ nhận được tin nhắn điện thoại thông báo rằng có một người bị nhiễm bệnh gần đó. Bất cứ ai nhập cảnh vào nước này đều phải tải một ứng dụng về điện thoại và liên tục cập nhật tình trạng sức khỏe của bản thân trong 14 ngày, mỗi ngày hai lần. Những người dương tính với virus và cách ly bắt buộc phải tải một ứng dụng để Chính phủ theo dõi dữ liệu GPS của họ.
Bốn: tính kỷ luật của người Hàn Quốc trong cộng đồng. Mọi người đều phải đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội, tránh sử dụng thang máy và nếu có sử dụng thì chắc chắn sẽ không có ai nói chuyện trong thang. Mọi người đều được đo thân nhiệt, sản phẩm diệt khuẩn được đặt ở mọi nơi và được sử dụng liên tục. Tính kỷ luật còn được kết hợp với sự sáng tạo của người Hàn Quốc. Ví dụ như họ đã phát minh ra một loại xà phòng tự động đổi màu bọt cứ 30 giây một lần để giúp người sử dụng dễ dàng tính thời gian rửa tay.
Đài Loan: Phản ứng nhanh, kinh nghiệm và hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt
Đài Loan, lãnh thổ với 23,6 triệu dân, cũng đã gặt hái được những thành công như Hàn Quốc. Nằm sát Trung Quốc rộng lớn, Đài Loan vốn có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Bởi vậy, ngay khi dịch bùng phát tại Vũ Hán, chính quyền Đài Loan đã lập tức tạm dừng mọi mối liên hệ với Trung Quốc, điều mà châu Âu và Mỹ đã không làm do khinh suất. Đài Loan đóng cửa biên giới từ rất sớm vì các chính trị gia của họ hiểu rằng dịch bệnh từ đại lục sẽ lan đến lãnh thổ này trước tiên.
Phản ứng nhanh chóng là yếu tố tối quan trọng đối với sự thành công của cả cuộc chiến. Lý do cho phản ứng nhanh nhẹn của người Đài Loan có lẽ xuất phát từ kinh nghiệm đau đớn cách đây 17 năm, khi dịch SARS gây chết chóc tại lãnh thổ này. Điều đó cho thấy kinh nghiệm quan trọng đến thế nào.
Do đó, từ cuối tháng 12.2019, khi những báo cáo đầu tiên về sự xuất hiện của một loại "virus corona" bí ẩn từ Vũ Hán xuất hiện, Đài Loan đã triển khai (từ ngày 5.1.2020) kiểm tra y tế bắt buộc cho toàn bộ khách du lịch đến từ Vũ Hán. Bất cứ ai có kết quả dương tính sẽ lập tức được đưa đi cách ly. Những người có tiếp xúc với bệnh nhân cũng được kiểm tra ngay lập tức.
Sau khi sàng lọc người đến từ Vũ Hán, từ đầu tháng 2, Đài Loan bắt đầu ngăn người đến từ Trung Quốc đại lục. Tất cả hành khách đến từ Trung Quốc hoặc nối chuyến tại đại lục đều được đưa đi cách ly hai tuần. Mọi người đều phải kiểm tra thân nhiệt và khử trùng trước khi bước vào các tòa nhà hoặc địa điểm công cộng. Đồng thời, nhà chức trách cũng tăng cường sản xuất vật tư y tế và đưa vào hoạt động Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch bệnh trung ương (CECC). Trung tâm CECC trực thuộc cơ quan y tế Đài Loan được thành lập cách đây gần 20 năm sau khi đại dịch SARS diễn ra.
Bộ phận quân y được điều động, các sản phẩm khử trùng được tăng cường sản xuất, khẩu trang được phân phối cho người dân theo hạn mức nhưng chính quyền đang tích cực đẩy mạnh sản xuất mặt hàng này. Tất cả mọi người ở Đài Loan đều đeo khẩu trang. Khi số lượng ca bệnh đến từ nước ngoài tăng lên, mọi người nhập cảnh vào Đài Loan đều được làm xét nghiệm sớm. Khi số người nhiễm tăng cao vào đầu tháng Ba, nhà chức trách liền cho thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu đối với tất cả người nhập cảnh. Đồng thời, từ tháng 1, khách nhập cảnh phải khai báo số điện thoại cá nhân tại các cửa khẩu để cơ quan chức năng tiện liên hệ trong trường hợp cần thiết.
Trên trang web của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đài Loan, mọi người đều có thể dễ dàng theo dõi tình hình dịch bệnh, số lượng xét nghiệm được thực hiện, số lượng nhiễm bệnh và số người cách ly được trình bày một cách thông minh và khoa học. Chính sự minh bạch này đã tạo nên niềm tin cho người Đài Loan.
Sau đợt tăng mạnh về số lượng lây nhiễm vào đầu tháng 3, hiện nay, con số này đang có xu hướng giảm mạnh. Có thể thấy rằng câu chuyện quản lý khủng hoảng của Đài Loan nằm trong top thành công thời Covid-19. Những con số biết nói sau đây về Đài Loan cũng vô cùng ấn tượng: 10 triệu khẩu trang y tế được gửi đi khắp thế giới để chống lại đại dịch, trong đó hơn 5 triệu chiếc được dành cho cho Liên minh Châu Âu.
Những câu chuyện và kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Đài Loan là những ví dụ đáng khích lệ. Có thể nhận thấy ở đây nhiều điểm tương đồng với chiến lược quản lý khủng hoảng Covid-19 mà Việt Nam, nơi chưa có một ai thiệt mạng vì bệnh này, đang theo đuổi.
(Theo Báo Thanh Niên: https://thanhnien.vn/the-gioi/han-quoc-dai-loan-da-lam-gi-de-ghim-cuong-dich-covid-19-1209713.html)