Hỗ trợ Doanh nghiệp
Hội thảo "Thuận lợi hóa hoạt động Hộ Kinh doanh hướng tới phục hồi và tăng trưởng giai đoạn bình thường mới"
Tại Hà Nội, sáng ngày 15 tháng 10 năm 2021, Viện FNF Việt Nam đã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội và Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đồng tổ chức hội thảo công bố nghiên cứu "Giải pháp thuận lợi hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh cho hộ kinh doanh tại Việt Nam".
Hội thảo trực tuyến này nằm trong chuỗi hoạt động của dự án hợp tác "Hỗ trợ cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và kinh doanh hộ gia đình tại Việt Nam" giữa các bên. Dựa trên những kết quả khảo sát thu được từ 1.016 hộ kinh doanh trên khắp cả nước, nhóm nghiên cứu tập trung đánh giá những nhu cầu của hộ kinh doanh (HKD), đồng thời chỉ ra những khó khăn họ đang gặp phải, và cả những kỳ vọng trong việc nâng cao lợi nhuận và năng suất lao động.
Tại hội thảo, các tác giả đã trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu với 2 nội dung chính là 1) Tổng quan về HKD và kinh nghiệm quốc tế và 2) Kết quả khảo sát về tình hình sản xuất kinh doanh và những thách thức, khó khăn của HSD. Tiếp theo, TS. Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Viện FNF VIệt Nam điều hành tọa đàm bàn tròn về: “Thuận lợi hóa” hoạt động HKD hướng tới phục hồi và tăng trưởng giai đoạn bình thường mới."
Về nội dung nghiên cứu, báo cáo đã chỉ ra lợi thế so sánh giữa doanh nghiệp và HKD. Qua đó, báo cáo đã bình luận về các giải pháp đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của HKD trước và trong Covid-19. Ví dụ như miễn giảm thuế, thủ tục đóng cửa, tạm thời ngừng kinh doanh, hỗ trợ về tín dụng ngắn hạn vượt qua giai đoạn khó khăn và những hỗ trợ về thủ tục pháp luật và tài chính. Bên cạnh đó, báo cáo cũng bàn về các hỗ trợ của nhà nước với tín dụng của Ngân hàng đối với HKD trong điều kiện đại dịch, cũng như đánh giá thực tế việc tiếp cận tín dụng chưa cao của HKD.
Dựa trên kết quả khảo sát thu được, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những tác động ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi và các chính sách hỗ trợ phù hợp cho sự phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh của HKD trong điều kiện bình thường mới với các đề xuất chủ yếu:
- Tăng cường hỗ trợ HKD nâng cao lợi thế kinh doanh
- Tăng cường các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác
- Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích HKD tiếp cận với các cơ quan quản lý hành chính
- Mở rộng các chính sách khuyến khích phát triển và hỗ trợ khó khăn cho các HKD trong bối cảnh mới
- Thúc đẩy và cải tiến các điều kiện khuyến khích, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp kinh doanh
Về diễn giả và cũng là đại diện các nhóm tác giả của báo cáo, hội thảo có phần trình bày của:
- TS. Nguyễn Quốc Việt là Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội. Ông là chuyên gia trong lĩnh vực chính sách công và kinh tế thể chế, chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa thể chế, tăng trưởng và môi trường kinh doanh, các chính sách và dịch vụ công vì sự phát triển công bằng và bền vững.
- TS. Cấn Văn Lực là Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT (Hàm Phó Tổng Giám đốc) Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV. Là một chuyên gia về dịch vụ tài chính – ngân hàng, ông trực tiếp tham vấn cho Chủ tịch HĐQT của BIDV về Chiến lược, Quản trị rủi ro và Phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, TS Lực tham gia thỉnh giảng các khoá Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Đại học Monash (Úc), Đại học Boston (Mỹ) và 1 số đại học lớn tại Việt Nam trong 10 năm qua.
- TS. Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom tại Việt Nam kiêm quản lý chương trình. Ông bảo vệ luận án Tiến sĩ về đầu tư nước ngoài tại Đại học tổng hợp Leipzig (CHLB Đức). Sau đó đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ quản lý và chuyên môn trong việc thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến vào 8:30' ngày 15/10/2021 thông qua live-stream đồng thời trên hai kênh Facebook của Viện VEPR và FNF tại Việt Nam.