Liệu kinh tế có thể là cái giá phải trả sau cách ly xã hội
Từ ngày 01/04/2020, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 yêu cầu người dân trên toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội, chỉ những hoạt động kinh doanh, sản xuất thiết yếu mới mới được mở cửa.
Trước tiên cần khẳng định lại rằng sức khoẻ và tính mạng con người luôn phải đặt lên hàng đầu trong thời điểm này. Giống như một loạt các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Iran, v.v giãn cách xã hội là điều cần thiết và cấp bách để “bảo toàn nhân lực”. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu chống Covid-19 chưa biết được hồi kết, vậy nên giãn cách xã hội sẽ được thực hiện như thế nào và song hành cùng chính sách gì để kinh tế không phải là yếu tố bị đánh đổi và nhà nước luôn duy trì nguồn lực kinh tế thiết yếu nhằm chiến đấu với đại dịch sẽ là các vấn đề cần được bàn bạc.
Những dấu hiệu của sự suy thoái không cho phép chúng ta được chủ quan.
Hiện tại, một số dấu hiệu của suy thoái đã xuất hiện trên thế giới. Theo dự báo của Standard & Poors, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống chỉ còn 0,4% trong năm nay, mức thấp chưa từng có trong gần 4 thập kỷ. Kinh tế Mỹ đứng bên bờ vực suy thoái: thất nghiệp đạt mức 3,2 triệu người cao gấp 5 lần con số kỷ lục vào tháng 10/1982, tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ giảm 2% (theo Moody) và 3,8% (theo Goldman Sachs). Kinh tế châu Âu cũng sẽ chứng kiến nhiều biến động, chỉ riêng Đức tự ước tính thì họ có thể suy thoái từ 7 đến 11,2% trong 2020.
Tại Việt Nam, mặc dù tăng trưởng trong quý 1/2020 ở ngưỡng khả quan nhất trong khu vực (3,82%) nhưng một số dấu hiệu bất ổn đã xuất hiện. Tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu giảm sâu so với cùng kì năm 2019, thặng dư thương mại từ khu vực FDI và trong nước thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán biến động bất ngờ, và khối ngoại bán ròng liên tiếp.
Cách ly xã hội là cần thiết nhưng nên cân nhắc về thời gian áp dụng
Tình trạng phong toả hoặc giãn cách xã hội tại các thành phố lớn của một nền kinh tế như New York, Berlin hay Hà Nội, và TP Hồ Chí Minh đang ghìm lại guồng quay của kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ đóng băng một số hoạt động thương mại sản xuất. Sự tương tác giữa con người là động lực để đẩy luồng hàng hoá, dịch vụ và dòng tài chính luân chuyển. Mặc dù sự xuất hiện của nền tảng số đã tác động không nhỏ đến lưu thông hàng hoá, xong tại một số ngành dịch vụ, con người vẫn là chủ thể tiêu dùng chính và không thể thay thế được. Đã gần một tuần kể từ ngày Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chính thức dừng hoạt động của một số cơ sở kinh doanh, và sẽ thêm 15 ngày nữa cho đến khi yêu cầu giãn cách xã hội kết thúc. Đối với một nền kinh tế có tới 5 triệu hộ kinh doanh (theo Tổng cục Thống kê) ước tính chiếm tới 30% GDP, việc đóng cửa ít nhất trong ba tuần gây ra những hậu quả nặng nề cho từng cá nhân. Bởi lẽ, không hoạt động kinh doanh đồng nghĩa với không lợi nhuận, mua bán các hàng hoá trung gian hoặc sản phẩm bổ trợ cho sản xuất. Một số chuỗi sản xuất sẽ đứng trước nguy cơ bị đứng gãy nếu lệnh đóng cửa kéo dài lâu hơn. Các khoản hỗ trợ của Chính phủ bằng tiền mặt hoặc các khoản vay không lãi chỉ đảm bảo các hộ kinh doanh có thể tồn tại ở mức cơ bản nhất trong vòng một vài tháng, nhưng không thể làm họ có thêm chút lợi nhuận hoặc tiết kiệm nhỏ nếu các kịch bản xấu hơn xảy ra. Việc tung gia các gói trợ cấp trong khi yêu cầu hộ kinh doanh đóng cửa giống như cách Mỹ và một số nước đang làm chỉ là giải pháp tình thế chứ thực sự không phải là lựa chọn thông minh cho vài tháng tiếp theo.
Vậy Chính phủ nên làm gì trong dài hạn? Những nhà hoạch định chính sách cần nghiêm túc xem xét đến việc duy trì các hoạt động thương mại và đảm bảo dòng chảy vốn không bị gián đoạn trong khi tích cực nhóm và cách ly những người có nguy cơ mắc bệnh. Điều đó có nghĩa là hoạt động kinh tế và đảm bảo sức khoẻ cộng đồng cần thực hiện song song, sự vận hành cuả nền kinh tế sẽ là bước đệm để chi trả cho những chi phí y tế. Bởi lẽ nguồn lực của cá nhân và nhà nước đều có hạn và các chủ thể cần vận động để duy trì sự sống cho nền kinh tế, Chính phủ không thể tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ trong vòng hơn 1 một quý do nguồn ngân sách có hạn và nhiều năm bội chi.
Nếu chiến đấu với Covid-19 là cuộc chiến dài hơi, chúng ta dường như không có sự lựa chọn nào ngoài việc đồng ý cho 5 triệu hộ kinh doanh tham gia cuộc chiến, việc đóng cửa các hộ sẽ tạo mất mát và gánh nặng lớn cho nền kinh tế. Vậy, quay trở lại với kế hoạch cho thời điểm hiện tại, việc trợ cấp 1triệu đồng/hộ kinh doanh bị đóng cửa thực sự là chưa đủ để các hộ sinh tồn cho đến khi hết dịch, nhà nước cần có nhiều động thái hơn nữa. Ví dụ như trên thị trường hàng hoá và dịch vụ, ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực, Nhà nước cần khuyến khích xuất khẩu một số mặt hàng nông-thuỷ sản có sản lượng tăng như rau quả, cà phê, tiêu, v.v trong hoàn cảnh một số đối thủ từ Brazil, Trung Quốc đang có vấn đề do dịch Covid-19. Đây là phương thức hỗ trợ trực tiếp đến người nông dân – nhóm dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch. Trên thị trường vốn, các gói hỗ trợ tín dụng hiện nay là tương đối hợp lý nhưng phần đông hướng đến doanh nghiệp, vẫn còn ít các gói tín dụng cho kinh doanh hộ gia đình. Dẫu biết đây là hành động có tính rủi ro cao, nhưng từ phía quản lý nhà nước đây có lẽ là một cơ hội lớn để khuyến khích 3,4 triệu hộ kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh chính thức hoá hoạt động kinh tế của mình để được hỗ trợ qua khó khăn
Kìm hãm lạm phát là mục tiêu quan trọng trong thời điểm này
Tương tự như các nước trên thế giới, một loạt các gói hỗ trợ nền kinh tế đã được Chính phủ tung ra, từ gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ tài khoá cho doanh nghiệp 30 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp đến hơn 61,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lao động chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên để đảm bảo đời sống của người dân ổn định trong dịch bệnh và các gói hỗ trợ phát huy nguồn lực, Nhà nước cần kìm hãm lạm phát ở mức thấp ít nhất là trong ba tháng tiếp theo. Bởi lẽ, chỉ cần lạm phát tăng lên, các gói hỗ trợ của Nhà nước lập tức giảm giá trị khi người dân phải chi trả nhiều hơn để sinh tồn còn doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều chi phí trong khi hoạt động ngưng trệ.
Trong Quý 1/2020, CPI bình quân tăng 5,56% so với cùng kì năm ngoái, trong đó một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tăng 13,21%, thịt lợn tăng 58,81%, rau tăng 4,14%, giá thuốc y tế, điện, nước sinh hoạt tăng 1,43%, 9,89% và 4,75%. Nếu tình hình tiếp tục diễn biến thì mọi nỗ lực đảm bảo an sinh cho người dân đều trở nên vô ích.
Giãn cách xã hội đang là cản trở lớn cho hoạt động vận tải hàng hoá, tuy nhiên tình hình hiện tại đang khá thuận lợi để kìm chế lạm phát khi giá xăng, dầu đang ở mức thấp, nhà nước giữ trong tay công cụ độc quyền điện. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn đó, giá xăng dầu có thể tăng trong thời gian tới ngay sau khi Mỹ đồng ý tham gia đối thoại với Nga và khối OPEC để cắt giảm sản lượng. Việc cần làm hiện nay là đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, thậm chí yêu cầu nhập khẩu để đưa giá nhu yếu phẩm xuống thấp, yêu cầu địa phương tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển nhu yếu phẩm, hỗ trỡ ngành vận tải để giám giá vận chuyển.
Giãn cách xã hội hay hạn chế tiếp xúc với con người trong tình hình dịch bệnh là vô cùng cần thiết, song cần thực hiện cùng với một số chính sách để đảm bảo kinh tế không bị đánh đổi để lấy mục tiêu y tế. Khuyến khích thương mại tự do, thúc đẩy dòng luân chuyển của hàng hoá trong nước và ra ngoài biên giới là điều cần thiết lúc này để đảm bảo sự sống còn của các thành phần trong chuỗi sản xuất và giúp nền kinh tế khỏi sự tê liệt. Đó cũng là điều mà Quỹ Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam cùng với các đối tác của mình luôn mong muốn thực hiện dù trong bất kì hoàn cảnh nào.
*Nguồn bảng số liệu: Tổng cục Thống kê (2020)
- Hà Linh -