DE

Hiệp định EVFTA
[Phỏng vấn] Giám đốc Quốc gia FNF Việt Nam: Đã đến lúc hiện thực hóa EVFTA

GS.TS. Andreas Stoffers trả lời phỏng vấn Tạp chí Diễn đàn Đầu tư BizLive
Interview FNF Vietnam with BizLIVE

Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào ngày 12/2/2020, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua EVFTA. Ngày 01/8/2020, EVFTA sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Trước thềm sự kiện này, GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann for Freedom Việt Nam đã có những trao đổi với Tạp chí BizLIVE vào ngày 16/7/2020 vừa qua:

BizLive: Thưa ông, thời điểm EVFTA có hiệu lực đã gần kề, theo nhìn nhận của ông, Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc hội nhập này chưa?

GS.TS Andreas Stoffers: Theo quan điểm cá nhân tôi, tôi tin rằng ngày mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực sẽ không phải thời khắc thay đổi hoàn toàn vị thế của Việt Nam và EU trên mọi phương diện của nền kinh tế.

Tuy nhiên, tôi tin rằng EVFTA được coi như cánh cửa cho sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa EU và Việt Nam. Sau khi hai bên đã đi qua ngưỡng cửa này, hai bên sẽ cùng thích nghi, phát triển và hợp tác tốt hơn về thương mại tính cả về số lượng và chất lượng. Chính vì vậy, sẽ chẳng bao giờ có một sự chuẩn bị nào gọi là đủ cho một EVFTA có hiệu lực.

Cho đến nay, các chính phủ hai phía và doanh nghiệp Việt Nam đã làm rất tốt. Trong suốt thập kỷ qua, họ đã không ngừng chuẩn bị đàm phán, điều chỉnh pháp luật, đào tạo cho việc thực thi EVFTA, cũng như mở hẳn trang web để giải đáp tất cả những câu hỏi liên quan đến EVFTA. Ngoài ra, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã nhiều lần nhắc đến EVFTA trong Sách trắng, cũng như nhiều hội thảo gần đây. Tất cả các bên dường như đang cùng cố gắng để hướng đến việc có được EVFTA. Giờ đây đến lượt các doanh nghiệp hành động sau thời điểm ngày 01/8/2020.

Yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của một Thỏa thuận thương mại tự do chính là doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh của họ. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải tiến gần hơn đến việc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc quốc tế trên sân chơi quốc tế. Họ cần phải hợp tác chặt chẽ hơn trong quy mô lớn hơn và trở nên minh bạch để có thể thu hút được đầu tư và đối tác thương mại.

Lao động giá rẻ và môi trường đầu tư đơn giản với các chính sách giãn thuế đã được coi như điểm mạnh của Việt Nam trong 10 năm qua, thế nhưng điều đó không còn đủ nữa. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải cạnh tranh bình đẳng với các đối tác châu Âu.

Tôi đã tham gia vào chương trình quảng bá EVFTA của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong những tuần gần đây. Tôi cho rằng những buổi quảng bá như thế này rất tốt và đó là sự chuẩn bị tuyệt vời ở cấp độ vĩ mô. Thế nhưng giờ đây đã đến lúc cần đưa mọi chuyện vào thực tế.

BizLive: Cụ thể là như thế nào, thưa ông?

GS.TS Andreas Stoffers: Để Việt Nam có thể chuẩn bị tốt cho việc áp dụng EVFTA, tôi đề xuất ra cách tiếp cận gồm 3 cấp độ.

Thứ nhất, tiếp tục các sự kiện truyền thông được tổ chức bởi các bộ và cơ quan tại Việt Nam (Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) ngoài ra là các cơ quan thuộc Liên minh châu Âu (EU) trên cấp độ vĩ mô.

Thứ hai, tổ chức các buổi triển lãm cho doanh nghiệp ở cấp độ tỉnh hoặc nhóm lại theo thành từng ngành.

Thứ ba, tạo ra khung hợp tác cho doanh nghiệp giữa doanh nghiệp EU và Việt Nam. Với mục đích này, cần phải tìm kiếm thêm doanh nghiệp Việt Nam để doanh nghiệp được đào tạo và chuẩn bị. Những doanh nghiệp Việt Nam được chọn lựa sẽ được kết nối với doanh nghiệp phù hợp trong Liên minh châu Âu, ví dụ như từ Ba Lan, Đức hay Italy. Sau đó, những doanh nghiệp phù hợp sẽ cùng tham gia dự án chung, mô hình đó có thể được nhân rộng để các bên cùng tham gia.

BizLive: Nhiều dự báo cho rằng, cùng với tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, EVFTA sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam. Còn ông thấy sao, nếu có làn sóng và sự dịch chuyển đó thì Việt Nam có thực sự là một điểm đến hấp dẫn?

GS.TS Andreas Stoffers: Tôi tin rằng EVFTA sẽ có thể giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư từ châu Âu, đặc biệt khi mà một số công ty thuộc EU đang ngày một có quan điểm chỉ trích Trung Quốc.

Thông qua EVFTA, Việt Nam có thể hưởng lợi từ thực tế rằng các công ty thuộc EU muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời cũng muốn kiếm thêm thị trường hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài EVFTA mới ký kết gần đây, Việt Nam có thể hưởng lợi từ thực tế rằng Việt Nam đang có chính sách thương mại cởi mở và đã ký kết được nhiều thỏa thuận thương mại khác. Với tất cả những sự chuẩn bị dành cho EVFTA, tác động tích cực của EVIPA không nên bị bỏ qua. EVIPA có thể giúp thu hút thêm đầu tư của châu Âu vào Việt Nam nếu nó được quảng bá mạnh trong giới kinh doanh thuộc EU.

Xét đến nhiều lĩnh vực, tác động sẽ khác nhau. Dù rằng có thể sẽ không có nhiều thay đổi trong lĩnh vực ngân hàng hoặc tài chính viễn thông, nhiều lĩnh vực khác trong kinh tế Việt Nam ví như chế tạo máy, lắp ráp, sản xuất máy móc, dệt may, da giày sẽ hưởng lợi nhiều.

Tuy nhiên, Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa để quảng bá được Việt Nam trong vai trò địa điểm đầu tư hấp dẫn. Sau đại dịch Covid-19, các công ty thuộc Liên minh châu Âu sẽ không có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư ra nước ngoài, người tiêu dùng châu Âu cũng sẽ chi tiêu hạn chế hơn.

Nói cách khác, cạnh tranh giành đầu tư nước ngoài trên thế giới nói chung và ASEAN nói riêng sẽ tăng lên. Việt Nam cần phải hành động đúng thời điểm và dám mạnh mẽ khác biệt với đám đông. EVFTA có thể là một điểm xuất phát tốt, thế nhưng cần phải thực sự hành động mạnh mẽ vì nó.

BizLive: Trước EVFTA, Việt Nam cũng đã bước vào những cuộc hội nhập lớn. Ví như Việt Nam đã kỳ vọng rất lớn khi trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đến nay nhìn lại, từ bên ngoài nhìn vào, ông thấy giữa kỳ vọng và thực tế như thế nào?

GS.TS Andreas Stoffers: Từ đó đến nay, bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã thay đổi. Việt Nam giờ đây đã trở thành thị trường mở với tỷ lệ thương mại/tổng GDP ước tính khoảng 200%. Giá trị hàng hóa nhập khẩu năm 2019 ước tính 253,07 tỷ USD, cao gấp 5,74 lần so với giá trị nhập khẩu của năm 2006 là 44,89 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu năm 2019 ước tính 264,19 tỷ USD, cao gấp 6,7 lần so với giá trị nhập khẩu năm 2006 là 39,92 tỷ USD. Nói chung, Việt Nam đã gia nhập WTO thành công, các kỳ vọng ban đầu đã được đáp ứng.

Tình hình tại Việt Nam năm 2020 rất khác so với những gì diễn ra khi Việt Nam gia nhập WTO. Giờ đây, Việt Nam đã hội nhập nhiều hơn với thị trường thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn thế nữa, Việt Nam đang trên con đường trở thành nước công nghiệp.

Các quy định trong EVFTA và EVIPA chặt chẽ và có phạm vi áp dụng rộng hơn rất nhiều so với quy định của WTO. Hơn thế nữa, quy định được đưa ra ở thời điểm Việt Nam và EU cần phải định hình lại chính họ sau cuộc khủng hoảng Covid-19.

Theo quan điểm của tôi, con đường giờ khó khăn và chông gai hơn rất nhiều so với khi gia nhập WTO trước đây. Ở thời điểm tháng 1/2007, câu chuyện là Việt Nam hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Giờ đây, câu chuyện là vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lớn nhất trong thời kỳ hiện đại. Chính vì vậy, áp lực để cho EVFTA và EVIPA thành công lớn hơn rất nhiều. ĐÃ ĐẾN LÚC HIỆN THỰC HÓA MỌI CHUYỆN

BizLive: Trở lại EVFTA, cũng đã có hàng nghìn bài báo nói về kỳ vọng và cả thách thức. Có cả hình ảnh đây là “Đại lộ hội nhập”. Đại lộ đó, theo ông có bằng phẳng và thông thoáng không, cũng như ông nói ở trên là giờ có nhiều khó khăn và chông gai hơn rất nhiều giai đoạn hội nhập trước? Ông đánh giá thế nào về các phương tiện lưu thông trên “Đại lộ” đó, về phía các doanh nghiệp Việt Nam nói chung?

GS.TS Andreas Stoffers: Chắc chắn rằng, EVFTA không mang lại lợi ích cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này là rõ ràng, bởi chẳng phải doanh nghiệp nào cũng trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan đến EU hoặc thích thị trường EU.

Tuy nhiên, các thỏa thuận mới mở ra các cơ hội mới, mang đến thêm đối tác và thị trường cho nhiều công ty Việt Nam, từ công ty vừa và nhỏ cho đến các doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng đương đầu với vô vàn thách thức, ví như việc tăng cường khả năng cạnh tranh hoặc thích ứng với các quy định quốc tế.

Theo quan điểm của tôi, hiện mọi chuyện đang tập trung quá nhiều vào các câu chuyện vĩ mô. Người ta đang bàn thảo và viết rất nhiều về lợi thế của EVFTA. Báo chí đăng tải ngập tràn các bài viết. Các buổi hội thảo thông tin diễn ra khắp mọi nơi.

Bản thân tôi cũng đã tham dự nhiều sự kiện kiểu này tại hàng loạt các tỉnh thành của Việt Nam, các sự kiện có sự tham gia của rất nhiều quan chức cấp cao. Sự kiện mang lại nhiều hiệu quả tốt. Thế nhưng giờ đây đã đến lúc hiện thực hóa mọi chuyện, thông điệp của EVFTA cần phải được truyền tải tốt hơn nữa đến các doanh nghiệp.

Ngoài việc tổ chức các sự kiện chuyên biệt hơn cho doanh nghiệp tại tỉnh cũng như sự kiện kết nối doanh nghiệp trong từng ngành, cũng cần chọn ra một số doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu. Doanh nghiệp cần nhận được sự đào tạo về làm ăn kinh doanh cũng như tư vấn pháp lý.

Bước thứ hai, cần tìm kiếm cho doanh nghiệp Việt Nam đối tác phù hợp tại Liên minh châu Âu (EU), điều này cần được thực hiện với sự hỗ trợ của đối tác châu Âu trong đó có bao gồm EuroCham, các phòng thương mại châu Âu, các đại sứ quán và các tổ chức ví như Friedrich Naumann Foundation.

BizLive:  Có một điểm ngẫu nhiên. EVFTA có hiệu lực trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu. Điều này khiến hiệu ứng EVFTA có thể bị hạn chế đi, cũng như tác động của EVFTA sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn để ngấm vào thực tế. Ông nói gì về điều này?

GS.TS Andreas Stoffers: Trên thực tế, đại dịch Covid-19 và các biện pháp được đưa ra để ứng phó với Covid-19 đã gây ra tình trạng kinh tế suy giảm tại cả châu Âu và Việt Nam. Trong vòng 6 tháng qua, GDP của Việt Nam chỉ tăng trưởng được 1,81% còn GDP châu Âu tăng trưởng âm 2,7% trong quý đầu. Gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo kinh tế châu Âu có thể tăng trưởng âm 9,1% còn kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn tăng trưởng. Sức mua giảm đáng kể. Tất cả các bên nhiều khả năng sẽ đương đầu với nhiều cú sốc, cú sốc cả về cung và cầu. Tổng doanh thu thương mại trong năm nay giảm do rủi ro suy thoái kinh tế và giãn cách xã hội.

Phía EU chịu tác động nặng nề hơn so với Việt Nam bởi Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh nhạy và quyết liệt với đại dịch. Kết quả, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng. Còn về phía châu Âu, thất nghiệp, tình trạng mất ổn định kinh tế và nợ công tăng cao chưa từng thấy đang đẩy kinh tế EU và nhiều doanh nghiệp EU vào khó khăn. Những vấn đề này không khỏi tác động xấu đến khả năng mua hàng từ Việt Nam hoặc đầu tư vào Việt Nam.

Trong bối cảnh này, EVFTA có thể coi như điểm sáng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Thỏa thuận sẽ có thể giúp hồi sinh mối quan hệ kinh tế trên cơ sở tự do thương mại và bảo vệ đầu tư (EVIPA). Điều này chắc chắn sẽ giúp giảm đi tác động của các biện pháp kiềm chế đại dịch. EU đang tìm kiếm lựa chọn thay thế Trung Quốc. Với Việt Nam, việc có thêm quan hệ tốt đẹp với châu Âu đồng nghĩa đa dạng thêm đối tác thương mại và đầu tư. Điều này giúp làm tăng sự vững vàng cho kinh tế Việt Nam. Cùng lúc đó, cả Việt Nam và EU đã gửi đi thông điệp rõ ràng đến người dân rằng họ đang rất nỗ lực để thoát khỏi khủng hoảng. EVFTA và EVIPA có thể coi như tín hiệu đáng mừng.

Hai thỏa thuận này chắc chắn giúp cho hai bên vượt qua hậu quả của đại dịch nếu nó được áp dụng tốt và được doanh nghiệp chấp thuận. Chính vì vậy, cần đến sự hỗ trợ đến từ tất cả các bên: công chúng tại Việt Nam cần phải hiểu được về EVFTA cũng như những thông lệ cần thiết. Trên phương diện này, Friedrich-Naumann-Foundation (FNF Vietnam) đang hợp tác chặt chẽ với Phòng Thương mại châu Âu và Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Nguồn: bit.ly/bizliveandreas