KINH TẾ VIỆT NAM
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2024: Chuyển dịch Năng lượng hướng tới nền Kinh tế Xanh
Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 2024 đã diễn ra Hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2024 (BCKTTN 2024) do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc Trường Đại học Kinh Tế - ĐHQGHN phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức. Sự kiện được bảo trợ truyền thông bởi Tạp chí kinh tế Việt Nam - VnEconomy. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại khách sạn Fortuna Hà Nội với sự tham dự của Lãnh đạo các Bộ Ban ngành, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế và cơ quan thông tấn báo chí.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, đã liên tục xuất bản và công bố trong 16 năm qua, tập trung phân tích một cách độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu của Việt Nam.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề: Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh. Chuyển đổi xanh là yêu cầu thực tiễn và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hội nhập, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện. Là một trong những quốc gia châu Á có tham vọng lớn nhất tại COP26, chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030. Tuy nhiên, áp lực ngày càng tăng từ các quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đang thúc giục Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhanh và mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng hướng tới xanh hóa nền kinh tế. Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm đông đảo với sự có mặt của nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên gia cao cấp về kinh tế trong và ngoài nước. Đồng thời có sự góp mặt của nhiều lãnh đạo và đại diện của các cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế, lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu, đại diện của nhiều đại sứ quán, các tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam, các Hội và Hiệp hội, các doanh nghiệp, ngân hàng.
Nội dung của báo cáo bao gồm:
- Toàn cảnh Kinh tế thế giới năm 2023 và gần nửa đầu năm 2024, tổng quan về một số nền kinh tế lớn và có mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 và xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo trên toàn cầu;
- Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023 và gần nửa đầu năm 2024: về tăng trưởng kinh tế, lạm phát, các thị trường tiền tệ, tín dụng, tài chính, lao động và năng lượng;
- Đánh giá mối quan hệ giữa chuyển dịch năng lượng tái tạo và tăng trưởng kinh tế: tác động của chuyển dịch năng lượng tái táo tới tăng trưởng kinh tế như GDP, tỷ lệ việc làm và sự phát triển các ngành công nghiệp liên quan;
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế ở các quốc gia như Anh, Đức, Trung Quốc về chuyển dịch năng lượng tái tạo và đưa ra giải pháp thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tái tạo tại Việt Nam;
- Tự do hóa thị trường bán điện trực tiếp để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: đưa lý thuyết và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng thị trường mua bán điện cạnh tranh trực tiếp (PDDA) áp dụng trong điện mặt trời mái nhà, nêu lên rào cản và khó khăn khi áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp đối với điện mái nhà tại các khu công nghiệp, từ đó đề xuất chính sách để thực hiện và áp dụng cơ chế mua bán điện cạnh tranh và trực tiếp tại các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xuát khẩu xanh;
Hội thảo đã kết thúc với những sự đóng góp ý kiến từ các chuyên gia phản biện và khách mời. Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã đưa ra một số kết luận quan trọng nhằm gợi mở một số khuyến nghị chính sách quan trọng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Về chi tiết về báo cáo và các khuyến nghị chính sách được nêu ra, vui lòng xem tại Kỷ yếu Hội thảo Báo cáo Kinh tế thường niên 2024 dưới đây.