DE

SỰ KIỆN
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022: Nâng cao nền tảng số cho cho ngành dịch vụ

Nâng cao nền tảng số cho cho ngành dịch vụ - Khuyến nghị chính sách giá trị tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022
Workshop: "ENHANCING THE DIGITAL PLATFORM FOR THE SERVICE INDUSTRY" 1
© UEB/VNU

Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2022 đã diễn ra  Hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2022 (BCKTTN 2022) do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)  trực thuộc Trường Đại học  Kinh Tế - ĐHQGHN và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tổ chức. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại khách sạn Sheraton, với sự tham dự của các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học các tổ chức quốc tế và cơ quan thông tấn báo chí.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm trọng điểm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, được liên tục công bố đến năm nay là năm thứ 14. Các báo cáo thường niên hàng năm của Viện tập trung nghiên cứu, phân tích một cách độc lập, dựa trên bằng chứng từ thực tế. Ngoài ra, các báo cáo cũng nêu bật được thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế tại Việt Nam, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu của Việt Nam.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề: Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ. Năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế. Nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế suy giảm, đình đốn. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản khiến cho hàng triệu lao động mất việc làm. Trong bối cảnh đó, ngành dịch vụ đối mặt với những sức ép rất lớn từ tác động của dịch bệnh, cũng như phương thức phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong một ngành và lĩnh vực trong đó có lĩnh vực dịch vụ đã trở thành dấu ấn quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thích ứng, dần hồi phục trở lại vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Thế nhưng, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam phần nào đã trật nhịp so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, đòi hỏi cần phát huy các động lực để duy trì nhịp tăng trưởng về mức trước đại dịch. Do vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và nâng cao nền tảng kinh tế số. Chuyển đổi số cho ngành dịch vụ được đánh giá sẽ tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, mặt khác tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực trong nền kinh tế thông qua cung cấp đầu vào chất lượng cao và đảm bảo đầu ra cho các ngành công - nông nghiệp.

BCKTTN 2022 năm nay do PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu và TS. Nguyễn Quốc Việt chủ biên, đã quy tụ một số lượng lớn các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, các giảng viên từ các Viện nghiên cứu và Trường đại học tham gia. Báo cáo đã nhận được sự cố vấn, phản biện của nhiều  chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực kinh tế. Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây. 

Hội thảo công bố BCKTTN 2022 của VEPR được tổ chức tại Khách sạn Sheraton, tạo điều kiện cho trao đổi, thảo luận giữa các chuyên gia một cách trực tiếp về các chủ đề được bần luận tới trong hội thảo. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm đông đảo với sự có mặt của nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên gia cao cấp về kinh tế trong và ngoài nước. Thành phần tham dự buổi Hội thảo gồm nhiều lãnh đạo và đại diện của các cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế, lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu, đại diện của nhiều  đại sứ quán, các tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam, các nhà tài trợ quốc tế, các Hội và Hiệp hội, các doanh nghiệp, ngân hàng và các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin.

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách quan trọng cho nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ với những điểm chính sau:

Khuyến nghị chính sách trong ngắn hạn

  • Do nguồn lực tài khóa hạn hẹp, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong thời kì đại dịch cần phải đúng trọng tâm, tiết kiệm, và đúng địa chỉ. Sớm thiết kế gói chính sách kích thích và phục hồi sản xuất/kinh doanh chung cho các loại hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ/bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ/siêu nhỏ cũng như các Hộ kinh doanh sau khi dịch bệnh đã được cơ bản khống chế. Tất cả các biện pháp hỗ trợ về thuế thu nhập hay chi tiêu hàng xa xỉ nên được xóa bỏ.
  • Các chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái “thích ứng” với hiện trạng của nền kinh tế, tiếp tục cân bằng giữa lạm phát và rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn.
  • Đầu tư công chỉ nên tập trung và đẩy nhanh vào các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch. Chính sách hỗ trợ lãi suất vẫn nên duy trì để các doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng.
  • Hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số doanh nghiệp để làm căn cứ xây dựng chiến lược chuyển đổi số các cấp. Công bố tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
  • Tăng cường thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành dịch vụ như xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển trang bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các tác vụ hàng ngày.
  • Thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số bằng các chương trình đào tạo về công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp điều chỉnh cấu trúc, quy trình và văn hoá kinh doanh phù hợp với nền tảng chuyển đổi số.

Khuyến nghị chính sách trong trung và dài hạn

  • Trong trung hạn, cẩn đẩy mạnh an ninh xã hội, an ninh năng lượng, thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách tiền tệ và tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng. Các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì và đồng thời mở rộng đối tượng thủ hưởng chính sách, chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức. Cần hướng tới chuyển đổi sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng thông qua dự phòng năng lượng đủ mạnh, đa dạng hóa và tránh phụ thuộc vào một nguồn năng lượng. Việt Nam phải theo dõi rất chặt chẽ xu hướng tăng giá để kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp giúp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
  • Trong dài hạn, cần tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, đẩy mạnh nâng cao tăng năng suất - cốt lõi của năng lực cạnh tranh và nâng cấp sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
  • Triển khai chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
  • Chính phủ cần quy hoạch rõ ràng về hạ tầng CNTT, Truyền thông và năng lượng. Thu hút vốn đầu tư vào phát triển hạ tầng số và năng lượng tái tạo “sạch” bổ sung vào đầu tư công. Thực hiện rà soát và nâng cao khả năng tiếp cận bình đẳng với hạ tầng số.
  • Tăng cường năng lực an ninh mạng thông qua thu hút kỹ năng, sử dụng hệ thống blockchain để bảo vệ dữ liệu và xây dựng hệ thống công cộng đáng tin cậy.
  • Thu hút đầu tư nước ngoài cho các thiết bị số trong giáo dục. Xây dựng lộ trình trong hệ thống giáo dục nhằm phát triển hạ tầng nhân lực số có chất lượng. Thúc đẩy thương mại điện tử và dịch vụ công nghệ cao.
  • Thực hiện chuyển đổi số khu vực công và phát triển chính phủ số.
  • Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, các trung tâm công nghệ và khu công nghệ cao. Thực hiện đăng ký Sở hữu trí tuệ theo chuỗi khối, tiến hành trực tuyến, và công bố những hướng dẫn và thông tin về các loại bản quyền và bảo hộ Sở hữu trí tuệ cần được bảo hộ trong tương lai số hóa ở mức cao hơn.