Economy
"Kinh tế tuần hoàn", xu hướng tất yếu trong tương lai của phát triển bền vững
Mô hình Kinh tế tuần hoàn (KTTH) ở Việt Nam đã được nói đến từ nhiều năm nay nhưng phạm vi ứng dụng còn nhỏ lẻ và ở quy mô rất nhỏ, ví dụ như mô hình vườn ao chuồng (VAC) trong sản xuất nông hộ ở Việt Nam. Mô hình KTTH ở quy mô lớn hơn trong các ngành kinh tế Việt Nam chưa phổ biến. Tuy nhiên, bởi KTTH theo đuổi các tiêu chí hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và bền vững, đây là xu hướng tất yếu và lâu dài kể cả trong và sau đại dịch Covid-19.
Do đó, để nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả đầu tư, tối ưu hóa các quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động và bảo vệ môi trường, việc xây dựng các mô hình KTTH là rất cần thiết ở quy mô lớn và ở nhiều ngành kinh tế khác nhau.
Trong tháng 01/2022, Viện FNF đã tổ chức một buổi tọa đàm khoa học về chủ đề “Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” giữa 03 bên: Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM), Viện Kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững Mekong (CESDI) và FNF Việt nam. Sự kiện có sự tham gia và cho ý kiến từ nhiều chuyên gia độc lập trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, quản lý năng lượng và nhiên liệu sạch như PGS.TS. Nguyễn Xuân Mai, PGS.TS. Lê Nguyên Minh, GS.TS.Trịnh Duy Luân. Ngoài trao đổi chuyên môn về các đặc điểm của mô hình KTTH trong điều kiện tại Việt Nam, ba bên còn trao đổi việc thực hiện dự án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong năm 2022.
Với tầm nhìn đưa Việt Nam thành kho lương thực của thế giới trong tương lai, TS. Mai Huy Tân, doanh nhân và nhà khoa học, Viện trưởng Viện CESDI, đã đề xuất hợp tác thực hiện dự án phát triển mô hình KTTH tại Việt Nam. Ông đã đưa ra giới thiệu trước tọa đàm mô hình AGINE và GREENDEVI. Đây là khối tổ hợp sản xuất với khả năng nhân rộng cao, hướng đến phát triển bền vững và một nền nông nghiệp không hóa chất có thể tự vận hành trong một nền kinh tế thị trường. Ý tưởng dự án này đã nhận được ủng hộ từ FNF và sự phối hợp trong nghiên cứu của đối tác chúng tôi là Viện CIEM.
Một số vấn đề được đưa ra thảo luận trong tọa đàm:
- Đặc điểm của KTTH ở Việt Nam;
- Sự cần thiết phát triển mô hình KTTH trong giai đoạn hậu Covid;
- Định hướng nguồn năng lượng của dự án, hệ thống quản lý năng lượng và nhiên liệu sạch Hydrogen;
- Hoàn thiện pháp luật về phát triển KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp: Chìa khóa quan trọng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.
Một số hình ảnh của hội thảo: